Theo đương sự, do không kết tội được, VKS đình chỉ điều tra họ dưới dạng miễn trách nhiệm hình sự để né bồi thường.
Ngày 10-11, VKSND thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) đã ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can đối với hai ông Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh và bà Phạm Thị Hồng Vân. Tuy nhiên, VKS không xác định rõ ông Văn, ông Quỳnh và bà Vân không phạm tội mà lại căn cứ vào khoản 2 Điều 25 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự để đình chỉ họ. Điều này đồng nghĩa với việc họ không được bồi thường oan.
Bị hủy án vì chứng cứ không rõ
Theo hồ sơ, tháng 10-2001, chợ huyện Đồng Phú được nâng cấp, đổi tên thành chợ Đồng Xoài. Ông Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh và bà Phạm Thị Hồng Vân thuộc ban quản lý chợ (BQL). Sau một năm, cả ba đã chi nhiều khoản không liên quan đến hoạt động của đơn vị, gây thất thoát tiền phí và lệ phí nên không đủ tiền nộp ngân sách. Cả ba bàn bạc và bỏ tiền của mình ra cho BQL chợ vay để bù vào khoản phí và lệ phí bị thâm hụt trước đó.
Tháng 6-2006, UBND thị xã Đồng Xoài ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ba người với lý do họ đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, làm trái các quy định quản lý kinh tế, gây thất thoát ngân sách nhà nước...
Sau hơn ba năm bị buộc thôi việc, năm 2009, ông Văn và ông Quỳnh bị cơ quan điều tra Công an thị xã Đồng Xoài khởi tố về hai tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Vân cũng bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cơ quan điều tra, hành vi sai phạm của các bị can trong việc sử dụng tiền ngân sách gây thiệt hại hơn 50 triệu đồng, tự ý cho thuê lô sạp thấp hơn giá quy định gây thiệt hại gần 150 triệu đồng.
Trên cơ sở này, tháng 7-2011, TAND thị xã Đồng Xoài đã tuyên phạt bị cáo Văn bảy năm sáu tháng tù, bị cáo Quỳnh bảy năm ba tháng tù, bị cáo Vân ba năm tù treo về các tội danh trên. Các bị cáo kháng cáo.
Xử phúc thẩm ngày 11-5-2012, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy bản án sơ thẩm với lý do các tình tiết chứng cứ trong hồ sơ chưa được làm rõ, cấp sơ thẩm xét xử vượt quá phạm vi truy tố, có nhiều vi phạm tố tụng. Tòa yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Ông Đặng Công Văn và ông Bùi Văn Quỳnh cho biết sẽ khiếu nại để đòi công lý đến cùng. Ảnh: H.TÚ
Và lần lượt đình chỉ
Sau khi điều tra lại, cơ quan điều tra cho rằng qua xác minh trước đây thì BQL chợ Đồng Xoài khi xây nhà tiền chế không làm tờ trình xin chủ trương thay đổi nhưng qua điều tra lại đã xác định BQL chợ có làm tờ trình xin chủ trương thay đổi về số lô sạp. Vì vậy, việc hai bị cáo Văn và Quỳnh hợp đồng cho thuê sạp khu vực nhà lồng tiền chế chợ Đồng Xoài là thực hiện theo chủ trương của UBND thị xã Đồng Xoài. Hành vi này không cấu thành tội phạm. Do vậy, ngày 26-9-2013, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bị cáo Văn và Quỳnh về tội cố ý làm trái.
Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cơ quan điều tra cho rằng có căn cứ xác định các bị can Văn, Quỳnh và Vân đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện việc chi tiêu sai nguyên tắc, làm thiệt hại gần 140 triệu đồng. Vì vậy, các bị can phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khi hồ sơ và kết luận điều tra được chuyển sang VKSND thị xã Đồng Xoài, viện không ra cáo trạng truy tố. Đến ngày 10-11 vừa qua thì viện ban hành quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.
Tuy nhiên, trong quyết định đình chỉ, viện lại cho rằng sau khi có kết luận thanh tra và trước khi khởi tố vụ án, ông Văn, ông Quỳnh và bà Vân “đã bị kỷ luật buộc thôi việc, đã khai rõ sự việc, góp phần điều tra, làm rõ tội phạm, đồng thời cũng đã nộp lại số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả, bản thân là cán bộ, công chức phục vụ cống hiến cho địa phương, có nhiều thành tích được tặng giấy khen”. Từ đó, viện áp dụng khoản 2 Điều 25 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự để đình chỉ.
Không có tội phạm chứ không phải làm rõ tội phạm
Mặc dù đã được đình chỉ nhưng ông Văn và ông Quỳnh tỏ ra rất bức xúc. “Miễn trách nhiệm hình sự có nghĩa là có tội nhưng được tha. Ở đây chúng tôi không hề có tội, không cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Chính vì không chứng minh được chúng tôi có tội nên viện mới phải đình chỉ” - ông Văn nói.
Theo ông Văn, khoản 2 Điều 25 BLHS nói rất rõ rằng người được miễn trách nhiệm hình sự phải là người đã khai rõ sự việc, góp phần điều tra, làm rõ tội phạm. “Ở đây, chúng tôi đã khai rõ sự việc, từ đó góp phần làm rõ sự việc này không phải là tội phạm chứ không phải góp phần làm rõ tội phạm như tinh thần điều luật mô tả. Vậy mà viện lại đình chỉ vì lý do này” - ông Văn nói.
“Rõ ràng cơ quan tố tụng đình chỉ với lý do này để né bồi thường oan cho chúng tôi” - ông Quỳnh khẳng định và cho biết ông đã gửi đơn khiếu nại và kêu oan đến các cơ quan tố tụng ở trung ương và địa phương.
Áp dụng khoản 2 Điều 25 BLHS là không đúng
Khoản 2 Điều 25 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự đã quy định rất cụ thể: “Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc… thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Sau khi có kết luận thanh tra, năm 2006 các đương sự đã bị xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức buộc thôi việc. Đến năm 2009, các đương sự lại tiếp tục bị khởi tố bởi các sai phạm đã xử lý hành chính trước đó. Sau đó vụ án đã được xử sơ thẩm và cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Như vậy, toàn bộ vụ việc không phù hợp với nội dung “trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú” như khoản 2 Điều 25 BLHS đã quy định. Việc VKSND thị xã Đồng Xoài áp dụng quy định này để miễn trách nhiệm hình sự là không đúng pháp luật.
Việc áp dụng sai như vậy phải chăng nhằm mục đích né tránh trách nhiệm làm oan, né việc xin lỗi, bồi thường theo quy định và cũng là sự né tránh trách nhiệm của cán bộ tố tụng trong việc làm oan người vô tội?
ThS MAI KHẮC PHÚC, giảng viên Luật hình sự
ĐH Luật TP.HCM