Mấy ngày gần đây, hàng ngàn thẻ cào của Vinaphone do người dân nhặt được tại bãi rác Khánh Sơn ở P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng và bán lại với giá rẻ nhưng sau đó không sử dụng được, gây xôn xao dư luận.
“Xe vua” lộng hành vì được lãnh đạo địa phương “bảo kê”?
- Cập nhật : 30/07/2014
Hầu như địa phương nào cũng có 1 đoàn “xe vua”, được bảo kê bởi một số quan chức ở địa phương. Có sự hình thành những nhóm lợi ích tìm mọi cách đối phó với chủ trương siết chặt xe quá tải.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định như vậy tại cuộc tọa đàm Chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe do Báo Giao thông tổ chức hôm qua (28/7).
Theo ông Thanh, Hiệp hội Vận tải và cộng đồng các doanh nghiệp làm ăn chân chính hết sức hoan nghênh và ủng hộ việc siết chặt tải trọng phương tiện. Đây là cuộc chiến rất phức tạp, hết sức gay go, nó bắt nguồn từ thời kỳ đổi mới, kéo dài đến 30 năm nay. Thậm chí, nhiều lần ra quân đánh không đến nơi đến chốn nên vấn nạn ngày càng tăng.
Cũng theo ông Thanh, trong những tháng qua, các đơn vị xử phạt cho rằng đã đạt được thành tích tốt trong xử phạt xe. Tuy nhiên, không thể thoả mãn với những kết quả đã đạt được. Hiện nay các giải pháp siết xe quá tải là hết sức quyết liệt nhưng rất khó triệt để.
“Tôi đánh giá cao những tỉnh nào phát hiện tỷ lệ xe quá tải nhiều, chứ không khen những tỉnh nào có tỷ lệ phát hiện xe quá tải ít” - ông Thanh cho hay.
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải kiến nghị gắn các trạm cân gần các trạm thu phí, có thể xử phạt nóng ngay, cũng có thể xử nguội: “Chúng ta có thể phạt theo quãng đường mà đoạn xe quá tải chạy, phạt thật nặng chứ vài ba triệu thì không ăn thua. Đồng thời cũng phạt thật nặng những đơn vị kiểm tra xử lý. Không thể nói là nghiệp vụ kém rồi cứ để cho xe qua được”.
Đề cập đến hiệu quả kiểm soát tải trọng xe, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận: Các giải pháp siết chặt cân xe trên địa bàn cả nước đã tác động mạnh mẽ đến các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân. Tuy nhiên, ngoài nhiều địa phương tích cực, xe quá tải giảm nhiều, vẫn còn những địa phương chưa làm tốt, hiệu quả chưa cao. Những địa phương không đạt được hiệu quả cao, ngoài việc tổ chức cân xe chưa tốt còn có xuất hiện cả tiêu cực, cò mồi. Một số nơi còn có tình trạng người dân và lái xe có những hành vi trái qui định. Nhiều lái xe không chấp hành nghiêm chủ trương này, thậm chí còn cố tình phá hoại, gây hư hỏng thiết bị trạm cân.
“Những tồn tại khách quan thì những yếu kém trong khâu tổ chức ở một số địa phương, đặc biệt là sự phối hợp giữa hai lực lượng TTGT và CSGT chưa hiệu quả là nguyên nhân chính. Trách nhiệm phối hợp, thực thi công vụ các các lực lượng tại trạm cân cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Có tình trạng lập trạm cân nhưng không duy trì 24/24h, 7 ngày trong tuần, dẫn đến cò mồi lợi dụng thời điểm không có trạm cân để cho xe quá tải vượt trạm. Nhiều lần tôi trực tiếp đi kiểm tra đêm và phát hiện ra hiện tượng này. Có những thời điểm việc kiểm tra, kiểm soát tại các trạm cân còn rất lơ là” - Thứ trưởng Thọ cho biết.
Theo Thứ trưởng Thọ, Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Công an đã có chỉ thị nhắc nhở các lực lượng chấp hành nghiêm theo đúng qui định về chức trách nhiệm vụ. Nếu để xảy ra tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, mất lòng tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật, sẽ là một tổn thất rất lớn.
“Bộ GTVT đề nghị lực lượng Công an và Thanh tra giao thông công khai đường dây nóng. Để xảy ra ở trạm nào, có nghi vấn tiêu cực thì phải có kết nối để giải quyết ngay, tránh trường hợp không dám công khai tiêu cực. Chúng ta cần mạnh dạn trong việc này, nếu phản ảnh đúng địa chỉ, ngày giờ, có xác nhận thì hoàn toàn đáng tin cậy. Nếu làm tốt, sẽ hạn chế được tiêu cực. Nếu qua đường dây nóng, điều tra phát hiện được tiêu cực thì chắc chắn sẽ có những chuyển biến trong công tác này” - Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh// Dân Trí