Đức và Pháp dường như đã tỏ rõ lập trường không theo đường lối cứng rắn của Mỹ đối với Nga sau khi hai nhà lãnh đạo của họ đang cấp tập thúc đẩy một đề xuất đàm phán hòa bình mới, và đã có mặt ở Moscow để bàn luận về đề xuất có khả năng sẽ ngừng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine này.
Tổng thống Nga Putin (giữa) thảo luận cùng thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande tại Kremlin (Ảnh: Tass)
Pháp, Đức muốn giải pháp hòa bình
Hai lãnh đạo Đức, Pháp sẽ có cuộc bàn luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ một ngày sau khi đã đưa ra bản đề xuất mới tới chính quyền Kiev. Động thái mới của châu Âu diễn ra giữa lúc khủng hoảng Ukraine đang hết sức căng thẳng, con số thường dân thiệt mạng tăng lên từng ngày.
Như đã phát biểu ở thủ đô Berlin trước khi đến Moscow, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ hy vọng đề xuất mới sẽ mang lại kết quả rõ ràng là một lệnh đàm phán, tuy rằng viễn cảnh đó có thể khó xảy ra. Bà Merkel cũng thể hiện rõ ý chí rằng "một sách lược quân sự sẽ không giải quyết được cuộc xung đột” và nói thêm rằng bà cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chung tay "giải quyết tình hình căng thẳng bằng tất cả quyền lực” của mình.
Nga, Ukraine và các thủ lĩnh người ly khai từng ký kết một thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk hồi tháng 9 năm ngoái, nhưng tình trạng xung đột vẫn xảy ra như cơm bữa. Hiện chưa rõ đề xuất này có gì khác so với Thỏa thuận Minsk trước đó, nhưng hai lãnh đạo Pháp Đức từng nói rằng nó được vạch ra "dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ hy vọng đề xuất này sẽ được các bên có liên quan chấp nhận, tuy nhiên thêm rằng "lựa chọn đàm phán sẽ không thể kéo dài vô thời hạn”. Trong khi đó, Người phát ngôn của ông Putin là Dmitry Peskov đã hoan nghênh cuộc họp giữa ông Putin và các lãnh đạo Pháp, Đức, gọi đây là "bước đi tích cực để giải quyết khủng hoảng Ukraine”.
Theo giới phân tích, Paris và Berlin dường như đang nghiêng về giải pháp mềm mỏng hơn với nước Nga thay vì ngả về phía Mỹ, nước mới đây đề xuất cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine – động thái chỉ có thể gây gia tăng căng thẳng xung đột cho khủng hoảng ở miền Đông nước này, đồng thời cũng gia tăng căng thẳng với Nga. Hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức muốn đưa ra quan điểm giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao trước khi Mỹ đưa ra đề xuất "giải pháp bằng vũ lực” tại Hội nghị Munich vào ngày hôm nay (7-2).
Ông Kerry: Nga hãy rút vũ khí
Xu hướng vẫn ngả về "giải pháp vũ lực” của chính quyền Washington rất rõ ràng, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 6-2 tuyên bố ngay trước chuyến thăm Moscow của lãnh đạo Pháp, Đức rằng Nga là nước chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Kerry còn kêu gọi Moscow thực hiện 3 bước đi mà ông tin rằng sẽ mở đường cho giải pháp ngoại giao.
Các bước đi này bao gồm: Rút toàn bộ vũ khí hạng nặng khỏi các khu vực có tập trung nhiều thường dân, di rời lực lượng binh sĩ và trang thiết bị quân sự hạng nặng khỏi Ukraine, và đóng cửa biên giới Nga-Ukraine.
Vị quan chức này còn nói rằng không ai muốn xung đột với nước Nga, nhưng cũng "không thể nhắm mắt cho qua” khi nhìn thấy nhiều xe tăng, vũ khí hạng nặng và binh sĩ vượt biên giới từ Nga sang Ukraine.
Tuyên bố của ông Kerry đã cho thấy Mỹ vẫn giữ nguyên các cáo buộc vô căn cứ từ trước đó, cho rằng Moscow chính là bên đang gây ra bất ổn ở miền Đông Ukraine bằng cách ngấm ngầm viện trợ binh lực, xe tăng, trang thiết bị… cho người ly khai ở khu vực này chống lại lực lượng chính phủ.