75% dòng thuế trong ASEAN đã cắt giảm xuống 0%
Theo Tổng cục Hải quan, mức độ tự do hóa trong khu vực ASEAN hiện đạt tỷ lệ cao nhất với khoảng 75% số dòng thuế đã cắt giảm xuống mức thuế suất 0%.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà VN tham gia đạt tỷ lệ tự do hóa thấp hơn, trung bình khoảng 30 - 40% số dòng thuế cắt giảm xuống mức thuế suất 0%. Do mức độ cam kết cao, chỉ có hai nhóm hàng trong ASEAN được loại trừ nghĩa vụ xóa bỏ thuế quan gồm: các mặt hàng công nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường là được duy trì thuế suất 5%; các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, đạn dược) hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe (cần sa, thuốc phiện)...
Thời điểm 2015 - 2018, phần lớn các FTA sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Đặc biệt là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thuế quan cuối cùng vào năm 2018.
-------------------------
Nga buộc doanh nghiệp bán ngoại tệ cứu đồng ruble
Hôm 23-12, chính phủ Nga đã ra lệnh buộc các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, bao gồm cả hai đại gia năng lượng là Gazprom và Rosneft, phải bán bớt ngoại tệ để hỗ trợ đồng ruble đang sụt giá.
Theo Itar-Tass, điện Kremlin ra lệnh cho năm doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu phải giảm dự trữ ngoại tệ xuống mức bằng hoặc thấp hơn thời điểm ngày 1-10-2014. Ngoài Gazprom và Rosneft, ba công ty còn lại phải tuân thủ yêu cầu này là tập đoàn năng lượng Zarubezhneft, hãng khai thác mỏ Alrosa và nhà sản xuất kim cương PO Kristall.
Chính phủ Nga tiết lộ sẽ mở cuộc họp với ban giám đốc các tập đoàn này để buộc họ phải thực hiện quy định trên trước ngày 1-3-2015. Ngân hàng Trung ương Nga sẽ giám sát việc các công ty bán bớt ngoại tệ. Báo kinh tế Kommersant đưa tin năm tập đoàn có thể phải bán 1 tỷ USD mỗi ngày cho đến ngày 1-3.
Trước thông tin trên, lập tức giá đồng rubel tăng 5,5% lên mức 1 USD đổi được 55,4 ruble. Như vậy, giá đồng ruble đã phục hồi khoảng 20% so với mức đáy 1 USD đổi được 80,1 ruble hôm 16-12.
“Thị trường đã phản ứng tích cực với hành động của điện Kremlin” - Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Slava Smolyaninov của hãng UralSib Financial Corp ở Matxcơva.
Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nền kinh tế Nga có thể rơi vào “suy thoái sâu” nếu chính phủ không hành động một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Ông cho rằng nền kinh tế Nga gặp khó khăn hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nguyên nhân là vì các biện pháp cấm vận của phương Tây sẽ khiến kinh tế Nga khó phục hồi hơn các cuộc khủng hoảng trước đây. “Tình hình đang rất xấu. Nhưng chúng tôi sẽ vượt qua thử thách này” - Thủ tướng Medvedev quả quyết.
Một khó khăn của Nga là dù đồng ruble đã tăng giá trở lại nhưng giá dầu thế giới vẫn tiếp tục giảm. Theo AFP, trong phiên giao dịch hôm nay giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường Mỹ tiếp tục sụt 34 cent xuống chỉ còn 56,78 USD/thùng.
-------------------------
Tư nhân đầu tư bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc
Sở Giao thông vận tải (GTCT) TP.HCM và Long An vừa chấp thuận cho Công ty TNHH Cầu phà Dosavina đầu tư xây dựng bến phà Cần Giờ - Cần Guộc (nối TP.HCM - Long An) qua sông Soài Rạp.
Ông Lê Hoàng Minh, phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết việc đưa phà vào chở khách nhằm đảm bảo an toàn cho người dân do luồng sông Soài Rạp đã có nhiều tàu biển đi lại.
Bến phà do tư nhân đầu tư này có kinh phí khoảng 26 tỷ đồng.
Để sớm xây dựng bến phà, trong năm 2015 Sở GTVT sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền TP cho phép nhà đầu tư được vay vốn kích cầu. Đồng thời TP.HCM và Long An hỗ trợ kinh phí đền bù giải tỏa khu vực xây dựng bến phà và những người kinh doanh ghe, đò chở khách chuyển đổi nghề.
-------------------------
Hàng giả, hàng nhái là vấn nạn của đất nước
Thống kê của VATAP cho thấy VN hiện có hơn 31 ngành hàng bị làm giả, trong đó đầu bảng là mỹ phẩm với tốc độ làm giả rất nhanh
Tại hội thảo cập nhật tình hình phòng chống hàng nhái, hàng giả dịp tết vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Lê Thế Bảo, chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN (VATAP), cho rằng nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm đang là vấn nạn của đất nước.
Thống kê của VATAP cho thấy VN hiện có hơn 31 ngành hàng bị làm giả, trong đó đầu bảng là mỹ phẩm với tốc độ làm giả rất nhanh, sản phẩm có mặt trên thị trường sau một tháng sẽ có hàng giả ở chợ.
PGS.TS Đàm Thanh Thế cho rằng không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng sản xuất hàng giả, hàng nhái gắn mác VN rồi tuồn hàng về VN tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, việc xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái chủ yếu bằng chế tài hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng để ngăn ngừa các hành vi vi phạm này, cần phải áp dụng thêm chế tài hình sự, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
-------------------------