Đức tố Nga can thiệp vào các nước muốn thân EU
Bà Angela Merkel-Thủ tướng Đức đã lên tiếng cáo buộc Nga can thiệp công việc nội bộ của nhiều nước Đông Âu muốn thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc phỏng trên Die Welt am Sonntag, bà Angela Merkel nói Nga đã Nga đã “gây rắc rối” cho Moldova, Georgia và Ukraine. Cả ba nước này đều có ký thỏa thuận hợp tác thương mại với EU. Nga vô cùng đáng ngờ khi cố tình can thiệp, tìm cách thu hút những nước từng là một phần của Liên Xô vào liên minh của mình.
“Moldova, Georgia và Ukraine là ba nước láng giềng ở phía Đông của chúng tôi và đã đưa ra quyết định ký thỏa thuận liên kết với EU. Nga luôn tìm cách tạo ra những rắc rối cho cả ba nước này” – bà Angela Merkel nói. Thủ tướng Đức dẫn chứng cáo buộc của mình bằng các xung đột ở các khu vực ly khai như Transdniestria, Abkhazia và Nam Ossetia, cũng như sự can thiệp của Nga ở miền Đông Ukraine.
Bà Merkel cũng lên tiếng tố Nga tìm cách làm cho các nước thuộc khu vực Tây Balkan lệ thuộc Moscow về kinh tế, chính trị để tạo ảnh hưởng tại khu vực này. Thủ tướng Đức tin chắc rằng phản ứng chung của EU trước hành động của Nga là điều đúng đắn.
Tháng trước, Tổng thống Nga Putin đã ký thỏa thuận "quan hệ đối tác chiến lược" với Abkhazia - khu vực ly khai của Gruzia, gây nên làn sóng chỉ trích dữ dội từ NATO và EU.
-------------------------
Nigeria bắt máy bay chở vũ khí của Nga
2 giờ ngày 6-12 (giờ địa phương), quân đội Nigeria đã bắt giữ một máy bay chở hàng của Nga khi nó hạ cánh tại sân bay TP Kano do trục trặc kỹ thuật.
Một phát ngôn viên lực lượng không quân Nigeria xác nhận chiếc máy bay chở hàng của Nga đang bị tạm giữ để phục vụ quá trình “điều tra”. Người này cho biết 5 thành viên phi hành đoàn nói tiếng Pháp cũng bị bắt giữ.
Thanh tra Nigeria phát hiện trong chiếc máy bay có 2 trực thăng quân sự, một xe jeep bọc thép, súng AK-47 và áo khoác chống đạn.
Đại sứ quán Nga tại thủ đô Abuja - Nigeria chưa đưa ra bình luận sau vụ việc.
Chiếc máy bay khởi hành từ Bangui, thủ đô nước Cộng hòa Trung Phi tới TP N'Djamena, thủ đô của Chad, đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Kano – Nigeria vì sân bay tại TP N'Djamena đóng cửa đột xuất.
Theo Reuters, không rõ lô vũ khí có phải được cung cấp cho lực lượng chiến binh người Chad – đã tham gia vào cuộc xung đột tại Cộng hòa Trung Phi kể từ khi phiến quân Hồi giáo Seleka chiếm thủ đô Bangui năm 2013 hay không.
Đây là lần thứ ba kể từ năm 2009 một máy bay Nga chở vũ khí bị bắt giữ tại Kano. Sau quá trình điều tra, các máy bay này đều được trả tự do.
Vụ việc mới nhất làm dấy lên lo ngại về vai trò của Chad trong cuộc nổi dậy của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram đang hoành hành ở Đông Bắc Nigeria và Nga đứng đằng sau cung cấp vũ khí cho lực lượng người Chad.
-------------------------
Mỹ phủ nhận “bơm tiền” để lật đổ Tổng thống Sri Lanka
Đại sứ quán Mỹ tại Sri Lanka đã phủ nhận cáo buộc Mỹ bơm tiền vào nước này để lật đổ Tổng thống Mahinda Rajapaksa như cáo buộc của một bộ trưởng.
Bộ trưởng Tái định cư Gunaratne Weerakoon đã cáo buộc Đại sứ Mỹ Michele Sison tìm cách tài trợ cho các lực lượng đối lập trong chiến dịch tranh cử để tìm cách lật đổ Tổng thống Rajapaksa, người sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ 3 trong cuộc bầu cử tháng tới.
Bộ trưởng Weerakon đưa ra cáo buộc trên trong một cuộc mít tinh hôm 5.12.
Đại sứ quán Mỹ ra tuyên bố ngày 6.12 mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này, cho đó là phát biểu “không có căn cứ”. “Phát biểu này phản ánh một sự không hiểu biết cơ bản về cam kết của chúng tôi với các quan chức chính phủ và chính sách của chúng tôi với Sri Lanka, cũng như hệ thống chính trị và kinh tế Mỹ”.
Bộ trưởng Weerakon cũng cáo buộc đại sứ Sison đã “chào mời” ông “5 năm học bổng cho các con tôi và một ngôi nhà ở Mỹ cùng với thẻ xanh”, nếu ông đồng ý với đề nghị đóng cửa một trại huấn luyện quân sự trong khu vực xung đột trước đâyở Sri Lanka.
Việc giải tán các trại này từ lâu đã được Mỹ và các nước phương tây cũng như Ấn Độ yêu cầu do các lo ngại về nhân quyền.
“Tôi nói rằng việc đóng cửa các trại đó không phải là điều tôi làm được, mà phụ thuộc vào tổng thống,” ông Weerakon nói.
Đại sứ Mỹ Michele Sison rời Sri Lanka hôm 6.12 sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ của bà. Bà đã được bổ nhiệm làm phó đại sứ Mỹ tại LHQ. Trước khi rời Sri Lanka, bà đã gặp Tổng thống Rajapaksa và ngoại trưởng G. L. Peiris, và họ đã chúc mừng bà vì củng cố quan hệ song phương – tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ cho biết.
-------------------------
Chu Vĩnh Khang có thể nhận án nghiêm khắc hơn Bạc Hy Lai
Các nhà phân tích cho rằng, Chu Vĩnh Khang có thể đối mặt với an tử hình treo, một bản án nghiêm khắc hơn so với án tù chung thân của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai – người bị kết tội tham nhũng, hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông dẫn lời nhà bình luận Zhang Lifan ở Bắc Kinh cho rằng, với tội làm lộ bí mật nhà nước, Chu Vĩnh Khang có thể bị xét xử kín. “Việc xét xử công khai Bạc Hy Lai không tốt bởi hình ảnh của Bạc không vì thế mà bị hủy hoại. Nếu Chu không muốn hợp tác với chính quyền, ông ta có thể làm khó dễ cho lãnh đạo trung ương”.
Chen Daoyin, giáo sư Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Thượng Hải, nói rằng bí mật nhà nước được nhắc tới trong bản tin của Tân Hoa Xã có thể là “một số thảo luận nội bộ về cải cách nhân sự sắp tới trong Bộ Chính trị”. Ông Chen phỏng đoán: “Chu Vĩnh Khang có thể đã sử dụng vị trí của ông ta để rò rỉ một số thông tin cho các quan chức và các ứng cử viên, thậm chí cho báo chí nước ngoài, để thao túng cải cách trong ban lãnh đạo đảng”.
Nhà phân tích Zhang Lifan nói rằng, bản án với Chu Vĩnh Khang có thể là án tử hình hoặc tử hình treo. Song việc tử hình Chu Vĩnh Khang có thể không bị loại trừ xét về “phong cách chính trị táo bạo” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tuy nhiên các nhà phân tích khác nói rằng, nhiều lắm thì Chu Vĩnh Khang cũng chỉ bị án tử hình treo. “Trong vài thập kỷ qua, trong giới lãnh đạo hiểu rằng hình phạt tối đa cho các quan chức tham nhũng cao cấp là bản án tử hình với vài năm tù treo” – giáo sư chính trị Đại học Nhân dân, ông Zhang Ming, nói.
Tân Hoa Xã cho biết, Bộ Chính trị quyết định xử lý trường hợp của Chu Vĩnh Khang sau khi nghe báo cáo vi phạm do Ủy ban Kỷ luật Trung ương công bố cuối tháng 12 năm ngoái.
Cuộc điều tra cho biết, Chu đã lạm dụng quyền lực để giúp đỡ họ hàng, người tình và bạn bè kiếm lợi khổng lồ từ kinh doanh, dẫn tới thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước. Cuộc điều tra cũng cáo buộc Chu đã ngoại tình với một số phụ nữ, đối quyền lực lấy tiền và tình dục.
Zhang Ming nói rằng, tất cả các quan chức cấp cao ngã ngựa tới nay đều có nền tảng bình dân, chưa có quan chức và doanh nghiệp nào có nền tảng “con ông cháu cha” bị điều tra.
-------------------------