Thứ nhất, tôi cho rằng các cơ quan tố tụng phải xem lại một cách chuẩn xác hơn vì trường hợp này có thể xử bị cáo tội giết người.
Hành vi phạm tội và ý chí thực hiện hành vi của bị cáo có động cơ giết người chứ không đơn thuần là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Khởi đầu hai bị cáo Phát và Tâm chỉ nhìn thấy sự việc Khỏe ném chai nước khoáng trúng nạn nhân Thạch, sau đó hai bị cáo này chỉ nghe nói nhóm của em Thạch sẽ tìm Khỏe để đánh. Chỉ vậy thôi mà hai bị cáo đã đi tìm và bắt em Thạch là sai trái. Quan trọng hơn, sau khi bị hại đã bị còng tay mà Phát vẫn cố tình đánh vào các vùng trọng yếu của cơ thể như ngực, đầu, mặt để dẫn đến hậu quả bị hại chết do chấn thương sọ não. Điều này đánh giá được ý thức từ đầu của việc đánh người là muốn tước bỏ sinh mạng của bị hại. Bởi lúc này luật buộc anh phải nhận thức được đánh vào mặt, vào đầu một người trong trạng thái không thể chống cự (bị còng tay) sẽ dẫn đến chết người. Lập luận tiếp theo là bị cáo Phát biết đánh vào đầu là chết nhưng vẫn đánh tức là giết người có chủ ý.
Như vậy, ngoài hành vi bắt người trái pháp luật thì cơ quan tố tụng có thể xử tội giết người thay vì cố ý gây thương tích. Theo đó, Phát là chủ mưu, Tâm là đồng phạm giúp sức.
Vụ này về tính chất nó khác với các vụ công an đánh chết người xảy ra ở Phú Yên và Kim Nỗ (Hà Nội). Hai vụ kia là đánh bị hại nhằm mục đích ép khai báo khi thấy có dấu hiệu phạm tội (nói cách khác là đánh để buộc phải khai). Và vụ ở Kim Nỗ, các bị cáo cũng đã bị xử lý về tội giết người. Còn vụ này là vô cớ đánh chết người khi em Thạch không hề có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, tôi nghĩ có thể xem xét xử tội giết người vì hành vi phạm tội đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Có như thế mới làm giảm sự bất bình, phẫn nộ trong dư luận nhân dân.
Thứ hai, về mức án và đánh giá vai trò của từng người trong vụ án mà TAND huyện Vạn Ninh đã xác định. Nếu cơ quan tố tụng cho rằng chưa đủ căn cứ để xử tội giết người mà chỉ là cố ý gây thương tích thì mức án như thế là quá nhẹ và chưa hợp lý. Khoản 3 Điều 104 BLHS có mức án từ năm đến 15 năm, trong khi các bị cáo có hai tình tiết tăng nặng là phạm tội với trẻ em và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (theo điểm h và điểm c Điều 48 BLHS) mà tòa xử bị cáo Phát sáu năm là quá nhẹ. Chưa nói, hành vi của bị cáo còn mang tính chất côn đồ nên còn có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng này cho bị cáo nữa.
Về việc xác định đồng phạm, tòa không thể cho rằng bị cáo Tâm chỉ đồng phạm tội tội bắt người trái pháp luật mà loại trừ trách nhiệm tội cố ý. Bởi chính tòa cũng nhận định trong bản án rằng: “Khi thấy Phát còng tay, đánh em Thạch nhưng Tâm không can ngăn mà còn dùng xe chở về trụ sở Công an xã Vạn Long”. Hơn ai hết, lúc này bị cáo Tâm là người cùng vị trí (công an), đi cùng, chứng kiến việc đánh và còn tạo điều kiện thuận lợi cho Phát đánh. Vì vậy bị cáo này phải bị coi là đồng phạm với vai trò giúp sức trong tội cố ý gây thương tích…