Vì mục đích lợi nhuận, nhiều tiểu thương đã bất chấp thủ đoạn, sử dụng thạch rau câu (Agar) tiêm vào tôm sú đông lạnh biến chúng có màu tươi sống, tôm cứng, đẹp và đặc biệt là nặng cân…. Vụ việc vừa được lực lượng liên ngành phát hiện tại 2 cơ sở kinh doanh thủy sản trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội đêm 24/1.
Trong quá trình trinh sát, Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội phát hiện 2 cơ sở kinh doanh thủy sản trên địa bàn phường Tương Mai, quận Hoàng Mai có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Lực lượng chức năng kiểm tra bột Agar để bơm vào tôm.
Vào khoảng 21h ngày 24/1, Đội đã phối hợp cùng Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai và Đội QLTT số 15 (Chi cục QLTT Hà Nội) bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản số 28, ngách 2, tổ 68 phường Tương Mai do Nguyễn Văn Cửu (33 tuổi, trú tại xóm 4, xã Nga Liêm, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ. Tại đây, có 4 nhân viên tại cơ sở đang bơm bột Agar vào thân tôm sú đông lạnh nhằm tăng trọng lượng tôm, làm tươi, cứng và đẹp tôm.
Cùng thời điểm, lực lượng liên ngành phát hiện cơ sở kinh doanh thủy sản, địa chỉ số 22 ngách 2, tổ 68 do Nguyễn Văn Liệu (43 tuổi, trú tại xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) làm chủ đang chỉ đạo 2 công nhân bơm bột Agar vào tôm sú.
Trung tá Nguyễn Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an quận Thanh Xuân cho biết, để đưa tôm ra thị trường, các chủ cơ sở kinh doanh phân loại tôm, hòa tan bột Agar với nước, dùng kim tiêm bơm thạch vào tôm, đem ướp đá, chia ra các thùng xốp để mang đi tiêu thụ. Loại tôm bị bơm nhiều nhất là tôm càng xanh. Các thương lái dùng bột Agar bơm vào từng con tôm nhằm tăng trọng lượng. Từng con tôm sau khi được phun độn thân sẽ phì ra, tròn vo múp míp. 1 kg tôm sau khi độn sẽ thành 1,2 – 1,3kg mà cỡ tôm cũng được nâng lên, ví dụ từ loại 30 con/kg, sau khi bơm sẽ chỉ còn 23 - 24 con/kg, do đó giá cũng tăng lên.
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Thắng, thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa. Hiện lực lượng chức năng đã tạm giữ hàng hóa tại hai cơ sở trên, tổng số 160kg tôm sú đông lạnh đã qua bơm bột Agar, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ; thu giữ nhiều kim tiêm và bột Agar, đồng thời lấy mẫu đưa đi kiểm định để xác định mức độ nguy hại của chất này tới sức khỏe người tiêu dùng.
Theo một trinh sát của Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP Hà Nội, loại tôm được chọn để bơm Agar phần lớn là tôm sú. Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thật thường mềm, phẳng. Khi lật mang của con tôm lên sẽ phát hiện ra ngay, bởi mang của tôm bơm thạch rau câu sẽ căng, còn mang của tôm bình thường sẽ rất mềm. Khi bơm thạch vào, con tôm sẽ có 2 lớp, đó là lớp thịt và lớp rau câu, vì vậy, người ăn nên cẩn trọng bóc mang hoặc vỏ ra.
Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau. Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.