Ông Lê Văn Mạnh đang là kế toán trưởng Tổng Cty Thủy sản VN - Cty TNHH MTV (Seaprodex VN). Bất ngờ, lãnh đạo Seaprodex VN ra quyết định cho ông Mạnh thôi chức vụ trên. Liên tục 2 năm qua, ông Mạnh khiếu nại, nhưng vụ việc không được giải quyết thỏa đáng; trái lại, có dấu hiệu ông Mạnh bị "gài bẫy” ngoạn mục…
Tăng lương tối thiểu: Đừng cho công nhân ăn “bánh vẽ”
- Cập nhật : 05/08/2014
Phát biểu trên Tuổi Trẻ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng thẳng thắn: “Nhưng không lẽ năm nào cũng cho anh em công nhân ăn “bánh vẽ”, cứ nói hoài lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu mà trên thực tế không thực hiện được. Do vậy, Tổng LĐLĐVN kiến nghị với các thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia cần thống nhất với nhau một lộ trình để thực hiện cam kết này với người lao động”.
Không có một hình ảnh nào hay hơn “chiếc bánh vẽ”.
Đã đưa ra cam kết tăng lương tối thiểu vào đầu năm 2015 mà không làm, có nghĩa là “cho anh em công nhân ăn bánh vẽ”. Không phải ăn một lần, mà ăn nhiều lần.
Những người “vẽ” bánh thừa biết đồng lương của người lao động không đủ sống và người lao động đang sống dưới mức tối thiểu. Theo công bố kết quả khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn thuộc Tổng LĐLĐVN, năm 2014, lương tối thiểu chỉ mới bảo đảm từ 67,6 - 70,5% mức sống tối thiểu.
Mức sống tối thiểu của đất nước còn nghèo như Việt Nam được đo đạc như thế nào cho trung thực đây! Đơn giản nhất là thước đo cơm bỏ vào bụng đủ no, chưa cần đến chất và có áo đủ mặc, không cần đến đẹp. Ngoài ra, tất cả các nhu cầu văn hóa giải trí đều là thứ xa xỉ. Thậm chí, bệnh không có thuốc uống, sinh con không nuôi nổi. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng thấu hiểu đời sống của người lao động cho nên ông mới chia sẻ gan ruột rằng: “Hầu như không một cặp vợ chồng công nhân nào sinh con mà tự nuôi được, các em, các cháu đều phải gửi con về quê. Đa số là như vậy”.
Sinh con không nuôi nổi, thực tế đó chứng tỏ nhu cầu tối thiểu nhất của một con người cũng không thể đáp ứng. Nhu cầu sống thấp nhất mà chỉ đạt khoảng trên dưới 70% thì không thể nói đó là cuộc sống của một con người.
Đúng là họ không phải ăn bánh bằng bột mà ăn “chiếc bánh vẽ”.
Nếu như người lao động, công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ có không gian sống trong căn nhà trọ tồi tàn và bữa ăn công nghiệp thiếu chất, nếu như họ phải gửi con về quê cho cha mẹ nuôi vì không đủ tiền gửi nhà trẻ, thì câu khẩu hiệu “Người lao động là tài sản của doanh nghiệp” và nhiều câu khẩu hiệu to tát khác cũng chỉ là một loại bánh vẽ mà thôi.
Lê Thanh Phong//Theo Lao Động