Mỹ chưa từng điều tra thành công một vụ nào liên quan đến gián điệp Trung Quốc cho đến khi tham gia phá vụ Chi Mak - một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ. Đây được coi là bước ngoặt trong nỗ lực của Mỹ chống gián điệp Trung Quốc vì từ đó, họ đã lần ra cả một đường dây gián điệp người Hoa trên đất Mỹ.
Mạng xã hội giúp biến đổi chính quyền Trung Quốc như thế nào
- Cập nhật : 14/08/2014
Số tài khoản mạng xã hội của Trung Quốc có bước đại nhảy vọt, khiến mạng xã hội không chỉ trở thành phương tiện của chính quyền địa phương, mà còn là nơi tự do ngôn luận của dân, vạch trần nhiều bê bối khiến không ít ô quan mất ghế.
Để trả lời câu hỏi " Chính phủ Trung Quốc kiểm soát ảnh hưởng của mạng xã hội đến quản lý hành chính địa phương và dư luận xã hội như thế nào? ", tạp chí Diplomat tiến hành nghiên cứu chuyên sâu các trang mạng xã hội thuộc chính phủ hay còn gọi là Weibo ở Trung Quốc.
Chức năng chủ yếu của các trang Weibo thuộc chính quyền địa phương Trung Quốc là một "hệ thống beta", một công cụ để chính quyền thử nghiệm cách thức tác động và đàm phán với công chúng và các nhà cung cấp dịch vụ, nhằm cải thiện quản lý xã hội và tăng cường tính pháp lý.
Chính quyền địa phương cũng đang phát triển dần dần từ các nhà cung cấp dịch vụ trở thành các nhà "dự đoán dịch vụ". Họ cải thiện năng lực để cung cấp dịch vụ kết nối đến người dùng và trở thành công cụ giám sát nhà nước thông qua các nhà cung cấp dịch vụ thương mại.
Họ cũng cố gắng để biến từ những trang thông báo nhàm chán thành nơi có nhiều tương tác và thân thiện hơn, để thu hút công chúng.
Chiếm lĩnh Weibo
Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc (CNNIC) ước tính cho đến cuối năm ngoái nước này có khoảng 278 triệu blogger. Mạng xã hội đầu tiên ở Trung Quốc là Fanfou, ra đời năm 2007 nhưng bị cấm hoạt động vào tháng 7/2009.
Tuy nhiên, công ty Sina đã khắc phục được rào cản về quy định quản lý và thiết lập trang mạng Sina Weibo vào tháng 8/2009. Tiếp bước Sina, những trang mạng tương tự được Tencent, NetEase và Sohu phát triển.
Thậm chí một trang mạng xã hội thuộc truyền thông nhà nước như People's Daily cũng được thiết lập, người Trung Quốc gọi là People's Weibo. Tiếp đó là các cơ quan trung ương, tiêu biểu như bộ Ngoại giao, là cơ quan đầu tiên đăng ký tài khoản trên Sina Weibo tháng 4/2011.
Rất nhanh chóng, Weibo trở thành tâm chấn trong đời sống online, nơi vạch trần những nghi ngờ và bằng chứng tham nhũng và bày tỏ bất bình đối với các quan chức chính quyền tham ô.
Chẳng hạn, Phó chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam, một tỉnh phía bắc Trung Quốc, bị "bồ nhí" tung ảnh lên Internet và tố cáo bạc tình ngay trước khi Đại hội đại biểu nhân dân nước này khai mạc hồi tháng 2.
Lôi Chính Phú, bí thư đảng ủy quận Bắc Bội, thành phố Trùng Khánh, bị cách chức năm 2012 và lĩnh án 13 năm tù sau khi đoạn phim ghi lại hình ảnh ông quan hệ tình dục với một phụ nữ trẻ được tung lên mạng.
Trong phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai nổi tiếng ở Trung Quốc, tài khoản mạng xã hội của tòa án đã cập nhật gần như trực tiếp các diễn biến của phiên tòa, giải tỏa cơn khát thông tin của xã hội. Đây là điều chưa từng xảy ra ở Trung Quốc đối với các phiên xử quan trọng và nhạy cảm như vậy.
Nhiều năm trước đây, các quan chức Trung Quốc giữ một thái độ hoàn toàn e ngại với mạng xã hội. Đầu những năm 2000, Vương Thần, phó ban Tuyên giáo trung ương Trung Quốc, tổng biên tập báo People's Daily Online, đặt câu hỏi: "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả mọi người đều nhảy vào chính trị? Trung Quốc có khoảng 100 triệu người sử dụng Internet. Nếu tất cả bọn họ đều được tự do ngôn luận, chúng ta sẽ lâm vào tình huống cực kỳ nghiêm trọng".
Đến cuối năm 2012, tình huống còn "nghiêm trọng" hơn: Trung Quốc có 564 triệu người sử dụng Internet và gần 300 triệu người có tài khoản Weibo.
"Weibo phát triển nhảy vọt, tạo ra tác động to lớn đến xã hội. Chính phủ phải đối mặt với thách thức phát triển chóng mặt của mạng xã hội tiểu blog này", một viên chức quản lý Weibo cho biết.
Để thích nghi với thay đổi, Trung Quốc nhận thấy phải tái cơ cấu chức năng của chính phủ và thực hiện tương tác giữa nhà nước và công dân trên diện rộng. Trung Quốc đã thực hiện công việc này một cách nghiêm túc. Đến năm 2003, ước tính chính phủ đầu tư hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 121 tỷ USD) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật số phục vụ các dự án số hóa quản lý hành chính khởi động từ thập niên 90.
Theo dòng thời gian, đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu lo lắng về ảnh hưởng chính trị do Weibo đem lại. Trên thực tế, khi những cuộc nổi dậy trong phong trào Mùa xuân Arab diễn ra năm 2011, ông Vương khuyến khích cơ quan tuyên giáo địa phương "chiếm lĩnh Weibo". Chính quyền thu nạp các trang Weibo vào công tác quản lý hành chính như một hình thức "quản lý xã hội".
Tính đến tháng 8/2013, có hơn 176.000 tài khoản Weibo thuộc cơ quan nhà nước hoạt động trên nhiều nền tảng kỹ thuật số khác nhau, theo Trung tâm nghiên cứu quản lý hành chính điện tử Trung Quốc. Đáng chú ý là có hơn một phần ba số tài khoản Weibo của chính phủ được điều hành bởi các cơ quan công an.
Nhóm trang mạng xã hội lớn thứ hai ở Trung Quốc đến từ các cơ quan như chính quyền thành phố (ví dụ như tài khoản "Beijing Announcements" của chính quyền Bắc Kinh trên Sina Weibo). Những tài khoản này tập trung vào thu thập thông tin để đưa ra quyết định, cập nhật tin tức xã hội, tương tác với người dùng, tuyên truyền tin tức chính thống, và duy trì ổn định xã hội trong thời kỳ khủng hoảng.
Thử nghiệm chính sách, thu hút người dân
Diplomat cho rằng các trang mạng của chính phủ là sự mở rộng quản lý hành chính bằng điện tử của Trung Quốc, rộng hơn nữa là sự mở rộng của "hệ thống tuyên truyền trung ương" vào thế giới của cư dân mạng Internet.
Thông thường, Weibo có nhiệm vụ thăm dò và dẫn dắt dư luận, đồng thời cung cấp dịch vụ hiệu quả để cải thiện tính pháp lý của quản lý hành chính. Chính quyền địa phương thực hiện việc này bằng cách len lỏi vào cuộc sống thường ngày của người dân: cung cấp thông tin địa phương, trả lời câu hỏi của người dùng, và thu hút người dân tham gia.
Tuy nhiên, không giống như những tổ chức thông thường, có nội quy, nhân sự và ngân sách, các trang Weibo của chính phủ là tổ chức bán chính thức, hoạt động vì mục đích tạm thời hoặc thử nghiệm, mở lối cho những sáng kiến và dẫn giải có tính địa phương.
Trên thực tế, những tài khoản Weibo của Bắc Kinh, Thành Đô, Nam Kinh hay Thượng Hải rất khác nhau, thể hiện đặc thù cấu trúc hành chính, văn hóa, lịch sử và các vấn đề địa phương.
Từ năm 2011, các trang Weibo của chính quyền công bố hơn 5.000 bài đăng. Tuy nhiên, gần 30.000 người theo dõi hiếm khi phản hồi hoặc chia sẻ bài đăng. Không bài đăng nào có quá 10 comment. Duy nhất có một bài thông báo về quy định mới trong cấp đổi giấy phép xe nhận được mười phản hồi.
"Tại sao không cung cấp thông tin này sớm hơn? ... Giấy phép của tôi đang vênh cả mép lên. Nó gần như hỏng hoàn toàn! ", một người dùng mỉa mai viết.
Nhìn chung, các trang Weibo của chính phủ có nội dung nhàm chán, thông tin một chiều và không tạo được sự tương tác với người dân.
Tuy nhiên, gần đây đã có sự thay đổi đáng kể, ngoài việc tập trung vào cung cấp và kiểm soát thông tin, những cơ quan hành chính cố gắng biến Weibo thành các kênh giao tiếp với người dân địa phương. Họ sử dụng ngôn ngữ rất thân thiện và phương pháp tiếp cận hiệu quả, cam kết trả lời thắc mắc của người dùng trong vòng một giờ vào ngày làm việc thông thường.
Chính quyền cố gắng cung cấp nhiều thông tin hữu ích như dự báo thời tiết, giao thông, y tế, thực phẩm, và an ninh, thậm chí cả những câu chuyện tình người cảm động.
Mỗi dịp Tết đến là khoảng thời gian di chuyển bận rộn nhất năm, các trang Weibo của chính phủ còn giúp người đọc lý giải hệ thống tàu hỏa cao tốc của Trung Quốc.
"Những xe lửa có ký hiệu G hoặc C chạy 300 km/h, ký hiệu D chạy 142 km/h, và K chạy 120 km/h. Bạn thường bắt chuyến tàu nào?" Những mẩu thông tin hữu ích như vậy được cư dân mạng hưởng ứng và chia sẻ tích cực.
Hồng Hạnh - Theo Diplomat // VNEX