Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Bắc Kinh-Mátxcơva chìa “bàn tay giúp đỡ” nhau khi đối mặt với các thách thức ngoại bang.
'Nhà nước Hồi giáo' nguy hiểm như thế nào?
- Cập nhật : 13/09/2014
Nước Mỹ vừa kỷ niệm 13 năm thảm kịch 11-9 (2001-2014). Hơn một thập kỷ qua, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động sau sự kiện bi thảm trên những tưởng đã đến hồi kết sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố Ô. Bin la-đen (Osama Bin Laden) năm 2011, nhưng thực tế không như vậy. Nước Mỹ lại đang phải đối mặt với một thách thức mới mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Vậy IS nguy hiểm đến mức nào mà Mỹ và phương Tây đang phải kêu gọi cả một liên minh toàn cầu để chống lại?
Cai trị tàn bạo và tài chính dồi dào
Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS hay ISIS) tự xưng tại I-rắc và Xy-ri đã khiến nhiều người Mỹ cũng như người phương Tây bị sốc. Đa số người dân phương Tây bàng hoàng, sợ hãi trước mức độ bạo lực của IS, cũng như việc tổ chức này đang thu hút đông đảo thanh niên Hồi giáo dòng Xăn-ni.
Các phiến quân cầm cờ IS khi hành quyết một người đàn ông trong video tuyên truyền của nhóm. Ảnh: AP
M. Ôn-xen (Matthew Olsen), một quan chức chống khủng bố cấp cao của Mỹ cho biết, IS hiện đang kiểm soát một khu vực thuộc lãnh thổ I-rắc và Xy-ri, lớn hơn cả diện tích nước Anh. Lực lượng này không hề thiếu tiền từ các hoạt động trên vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát, trong đó có hoạt động khai thác dầu, khí đốt và điện, cũng như bắt cóc người nước ngoài để đòi tiền chuộc. Ước tính mỗi ngày IS thu về khoảng 1 triệu USD từ các hoạt động phi pháp trên. Tổng trị giá các cơ sở sản xuất dầu mà chúng chiếm được ước tính lên tới 2 tỷ USD, chưa kể tiền thu từ việc tuồn các cổ vật ra chợ đen.
Oa-sinh-tơn đã từng xác định IS còn nguy hiểm hơn cả Al Qaeda bởi nhóm chiến binh đang hoành hành tại I-rắc và Xy-ri này còn có những hành động man rợ, kinh khủng hơn. Theo đuổi một dạng cực đoan của Hồi giáo dòng Xăn-ni, IS đã ngược đãi những người không phải đạo Hồi, như người Yazidi, người Cơ Đốc giáo, người Hồi giáo dòng Si-ai. Đặc biệt sau vụ hành quyết 2 nhà báo Mỹ gây chấn động toàn cầu, người đứng đầu Nhà Trắng quyết tâm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo để "công lý được thực thi", dù biết rằng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. A. Min-lơ (Aaron David Miller), cựu cố vấn của 6 đời Ngoại trưởng Mỹ, hiện là học giả ở Trung tâm Wilson, nhận xét: "Nước Mỹ mất đến 10 năm để đánh bại Al Qaeda. Với những lợi thế mà IS đang sở hữu, có thể sẽ mất tới 20 năm".
“Bom nổ chậm” từ các tay súng nước ngoài trong IS
Ước tính có khoảng 3000 công dân từ các quốc gia phương Tây hiện đang chiến đấu cho IS tại I-rắc, Xy-ri - Viện Hoàng gia về nghiên cứu quốc phòng, an ninh (RUSI) tại Luân Đôn cho biết. Theo RUSI, phần đông các tay súng nước ngoài được tin là đến từ Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp và các quốc gia ở tây bắc châu Âu. Một báo cáo hồi tháng 6-2014 từ Hãng tư vấn Soufan Group tại Niu Y-oóc (Mỹ) cho biết, các công dân từ ít nhất 81 quốc gia đã tham gia vào các nhóm phiến quân, trong đó có các công dân từ Úc, Mỹ, Ca-na-đa, Ai-len và Tây Ban Nha.
Chính phủ Anh cho hay có tới 400 công dân Anh đang chiến đấu cho các nhóm phiến quân. Nhưng con số này được cho là thấp hơn nhiều so với các tình nguyện viên từ các quốc gia Ả-rập như Tuy-ni-di, Ma-rốc và A-rập Xê-út.
Và không thể phủ nhận là có một hiểm họa rất lớn mà Mỹ và châu Âu lo ngại, đó là những kẻ đã sang chiến đấu ở Trung Ðông trở về thực hiện các hành động khủng bố tại nước nhà.
IS đang sở hữu nhiều vũ khí hạng nặng
Một phóng sự của CNN và một nghiên cứu công bố hôm 9-9 cho thấy tổ chức IS đang là một hiểm họa thực sự ở Trung Đông.
Đoạn phóng sự dài hơn một phút trên đài truyền hình Mỹ CNN ngày 9-9 chiếu cảnh các tay súng IS đang đứng cạnh những chiếc máy bay chiến đấu, máy bay tàng hình, xe tăng và pháo hạng nặng hiện đại ở căn cứ không quân Al Tabqa mà lực lượng này chiếm được của quân đội Chính phủ Xy-ri hai tuần trước.
Trong một nghiên cứu tại hiện trường khác của tổ chức theo dõi các loại vũ khí quốc tế, Quỹ nghiên cứu vũ khí trong các cuộc xung đột (CAR), các nhà phân tích đã phát hiện ra 6 súng trường tấn công hiện đại M16A4 với con dấu “Tài sản của chính phủ Mỹ” mà các tay súng người Cuốc ở bắc I-rắc thu được từ IS. “Nhà nước Hồi giáo đã thu giữ được khối lượng lớn các vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng của cả Mỹ, Xy-ri và đã sử dụng trên chiến trường”, bản báo cáo viết. Các vũ khí của Mỹ có thể đã được Mỹ cung cấp cho các lực lượng I-rắc và sau đó rơi vào tay IS, theo báo cáo.
Điều tra viên hiện trường của CAR, S. Ha-rít (Shawn Harris), nói với báo The Washington Post: “Họ đang chuyển vũ khí hàng loạt, và có tổ chức chặt chẽ cho việc này. Họ tỏ ra là những người chuyên nghiệp”.
Trong số các bức ảnh được CAR công bố, có cả những vũ khí tối tân như súng chống tăng 90mm HEAT và các loại tên lửa vác vai có thể bắn trúng những mục tiêu di động do Nam Tư cũ sản xuất, được A-rập Xê-út cung cấp cho lực lượng nổi dậy ở Xy-ri hồi năm 2013.
Bành trướng cực nhanh
Sau một thời gian suy sụp, kể từ năm 2012, IS mạnh lên một cách rõ rệt. Tính đến tháng 6 năm nay, trước khi chúng chiếm được Mô-xun và Ti-crít, quân số của IS tăng lên đến 10.000 người, các quan chức tình báo của Mỹ cho biết. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Xy-ri nhận định mùa tuyển quân năm nay của IS là đợt rầm rộ nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Trong số các chiến thuật tuyển quân, IS chủ yếu dùng cách cưỡng ép. Kể từ tháng 7, có hơn 6000 người tham gia IS, trong đó gần 5000 lính là người Xy-ri.
Sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS gần đây được lý giải là nhờ có một ban lãnh đạo cực đoan cao độ, tổ chức chặt chẽ và sử dụng những phương cách hung hãn, tờ Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức giấu tên của phương Tây và của Trung Đông, những người lần theo dấu vết của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Với sự trỗi dậy khủng khiếp của IS, nhiều nhóm phiến quân có liên hệ với Al Qaeda giờ đây lại đang ngả về phía Nhà nước Hồi giáo như Ansar al-Dine (Tuy-ni-di), Boko Haram (Ni-giê-ri-a) và Al Qaeda ở bán đảo A-rập, biến IS thành một mạng lưới khủng bố toàn cầu.
Theo: Ngọc Hà / (QĐND)