Chiều ngày 21/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Đình Ngọc Tú (22 tuổi), trú tại tổ 18, phườnG Phước Mỹ, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), hiện đang tạm trú tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu (Đà Nẵng) về hành vi “giết người”.
Đằng sau những “thảm án” gia đình: “Tự nhiên” phát rồ?
- Cập nhật : 14/11/2014
Phạm Văn Hải. |
Ngày 3/5 vừa qua, tại xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) xảy ra một vụ án vô cùng dã man. Người chồng, người cha đã lợi dụng đêm tối để sát hại vợ, con trai mình. Điều khiến người ta ngạc nhiên là trước và sau cơn cuồng sát đó, người chồng chỉ có những biểu hiện thần kinh "nhẹ" và không ai dám nghĩ đến kết cục thảm khốc cho hai người thân yêu nhất của ông ta.
I. Chúng tôi có mặt tại thôn Trạch Lộ (Hà Kỳ, Tứ Kỳ) vào một buổi chiều đầu hè oi ả. Ngôi nhà của gia đình ông Phạm Văn Hải (57 tuổi, thôn Trạch Lộ) nằm lọt thỏm trong một ngôi làng điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Ông Phạm Văn Hải vốn ở cùng vợ (bà Phạm Thị Vông) và con trai (anh Phạm Tuấn Anh), nhưng giờ đây ông Hải đã bị tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, còn vợ con đã trở thành người thiên cổ. Căn nhà cấp 4 của họ, thoạt nhìn đã thấy tang thương. Ngoài những vết máu còn đọng lại, thì hiện lên trước mắt chúng tôi là cảnh nghèo xác xơ. Trong nhà hầu như không có thứ gì đáng giá. Chỉ có hai chiếc giường xộc xệch nằm đối diện nhau. Chiếc bàn uống nước kiêm… bàn thờ đã bị mối mọt và cũ kỹ, không biết là đã truyền đến mấy đời.
Theo anh Phạm Văn Độ (cháu của ông Phạm Văn Hải) thì khoảng 5 giờ 30 phút sáng hôm đó, anh Độ sang nhà ông Hải với ý định chuẩn bị đưa anh Phạm Tuấn Anh đi khám bệnh. Khi anh Độ bước đến cửa thì thấy ông Hải từ ngoài vườn đi tới và bảo: "Mày đi báo chính quyền địa phương cho chú". Chưa hiểu vấn đề gì, nhưng anh Độ phát hiện thấy hai con dao dính máu ở cửa nhà. Rồi anh bàng hoàng khi thấy bà Vông và Tuấn Anh nằm bất động trên sàn nhà, vùng mặt có máu chảy. Anh Độ vội gọi thêm người nhà đến rồi đưa ông Hải lên Công an xã Hà Kỳ.
Có một điểm kỳ lạ là sau khi sát hại vợ và con trai, Phạm Văn Hải tỏ ra khá… bình tĩnh. Đối tượng còn dặn dò rằng: "Các anh niêm phong nhà tôi cẩn thận không được cho bất kỳ ai vào nhà". Thậm chí, sáng sớm ngày 3/5, một số người dân trong thôn còn thấy Phạm Văn Hải đi mua hương hoa. Họ hỏi ông ta mua làm gì thì ông ta trả lời là để thắp hương!?
Sau khi nhận được tin báo về vụ trọng án trên, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an huyện Tứ Kỳ khẩn trương có mặt tại hiện trường, tổ chức điều tra.
Thiếu tá Nguyễn Minh Trường, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án PC45 Công an tỉnh Hải Dương cho chúng tôi biết, qua khám nghiệm sơ bộ Cơ quan Công an xác định bà Phạm Thị Vông và anh Phạm Tuấn Anh đã tử vong do đa chấn thương, mất máu cấp với nhiều vết chém ở vùng đầu, cổ và mặt.
Tại Cơ quan điều tra, Phạm Văn Hải đã khai nhận về tội ác của mình như sau. Trưa ngày 2/5, anh Tuấn Anh sang nhà anh Độ chơi và ăn cơm tại đó. Khoảng 17 giờ, Hải cùng bà Vông ăn cơm tối tại nhà. Sau đó bà Vông sang nhà hàng xóm xem phim. Chừng khoảng 20 giờ bà Vông về nhà ngủ. Không thấy con trai đâu, Hải đã đi sang nhà Độ gọi Tuấn Anh về.
Sau đó, đối tượng Hải đã đi thắp hương, khấn vái rồi lên giường đi ngủ. Khoảng 2 giờ sáng ngày 3/5, Hải vùng dậy rồi lấy con dao rựa vốn vẫn cài ở đầu giường ngủ rồi đi sang chỗ Tuấn Anh nằm. Lúc này điện trong nhà đã tắt, Hải quan sát thấy Tuấn Anh đang ngủ say liền xuống tay sát hại chính con đẻ của mình. Lúc đó bà Vông tỉnh giấc, sợ hãi kêu lên: "Trời ơi sao lại thế này?". Trong cơn cuồng sát, Hải quay sang sát hại cả bà Vông.
Cũng theo Thiếu tá Trường, khi tiến hành lấy lời khai, Phạm Văn Hải có biểu hiện thần kinh không bình thường. Hải liên tục có các động tác "làm phép" để "đuổi ma, bắt ma". Và nguyên nhân mà Hải đưa ra để biện hộ cho hành động dã man, phi nhân tính của mình là để… đuổi ma trong người vợ và con trai ông ta.
Còn theo một số người dân ở thôn Trạch Lộ, từ nhiều năm nay Phạm Văn Hải đã có biểu hiện "lạ". Thỉnh thoảng ông ta có uống rượu say và chửi bới vợ con, thấy thế hàng xóm đến can ngăn thì cũng bị ông ta chửi luôn. Trong công việc đồng áng, khi mọi người đi ra đồng làm ban ngày thì ông Hải lại đi làm ban đêm. Có người thắc mắc thì ông ta bảo đi làm ban đêm cho mát (!?).
Hiện Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Hải. Thời gian tới Cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần đối với Phạm Văn Hải, để có biện pháp xử lý thích hợp.
II. Còn nhớ, cuối năm 2013 người dân ở xã Giao Thiện (Giao Thủy, Nam Định) cũng đã vô cùng bàng hoàng, đau xót trước sự việc đối tượng Đinh Văn Phạt (SN 1987) đã ra tay sát hại hai đứa con của mình rồi tự vẫn.
Ông Đinh Văn Thuận - bố đẻ của Phạt cho chúng tôi biết, từ bé Phạt vốn là thông minh, hoạt bát và hiếu thảo. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Phạt trở về quê hương làm nhiều nghề mưu sinh. Từ chỗ chỉ chuyên đi làm thuê chân tay, Phạt dành dụm được tiền rồi mua được phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng trong xã. Ông Thuận rất tự hào vì có đứa con nhanh nhẹn tháo vát như Phạt. Sau một thời gian đi làm, Phạt còn mua vật liệu về sửa nhà cho bố mẹ.
Cũng trong thời gian đi làm ở ngoài Hà Nội, Phạt quen với chị Hoàng Thị Thúy (quê ở Bắc Cạn). Hai người nảy sinh tình cảm, rồi về ở với nhau như vợ chồng, sinh con đẻ cái. Hai gia đình cũng đã lên kế hoạch gặp gỡ nhau để bàn chuyện cưới xin cho Phạt và Thúy. Tuy nhiên, ý tốt chưa thành thì đã xảy ra cơ sự…
Theo một người anh trai của Phạt thì trước khi gây ra thảm án, Phạt có những biểu hiện rất lạ, có lúc như người bị động kinh. Suốt ngày Phạt chỉ ru rú ở nhà, không dám đi đâu cả. Da mặt lúc nào cũng tái xanh tái xám, đôi mắt vô hồn thường nhìn về một cõi vô định. Mặc dù Phạt vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường thậm chí anh H. cho tiền Phạt vẫn nhận, song bảo Phạt đi chợ mua mớ rau con cá thì nhất định không đi.
Thế rồi Phạt còn có một nỗi sợ mơ hồ về hai con bị bắt cóc. Lúc nào Phạt cũng bế con khư khư trên tay, đến vợ cũng không cho động vào. Nếu ông bà, các bác bế thì Phạt cho, nhưng không ai được bước ra khỏi cửa. Phạt bị ám ảnh về một tai họa sẽ xảy ra với các con mình bất cứ lúc nào.
III. Theo bác sĩ Cao Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, những trường hợp "bột phát" gây án như trên của ông Phạm Văn Hải và Đinh Văn Phạt hiện đang ngày một gia tăng. Riêng tại Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, mỗi năm có không dưới 50 ca điều trị những bệnh nhân tâm thần "ẩn", tâm thần "chìm" dạng này.
Với nhiều năm kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân tâm thần "ẩn", bác sĩ Tùng cho biết bề ngoài thì trông bệnh nhân cũng bình thường như những người khác, nhưng khi gặp một sự kích thích nào đó thì cơn bệnh bộc phát, dẫn đến những hậu quả tai hại.
Bác sĩ Tùng khẳng định những biểu hiện quậy phá, tấn công, cuồng sát… của bệnh nhân chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nó là kết cục của một chuỗi những hành động trước đó, đến một thời điểm thì bị kích nổ và biểu hiện ra bên ngoài là những hiện tượng bất ngờ, không thể kiểm soát.
Ở góc độ tâm lý, người bệnh có biểu hiện bùng nổ ra bên ngoài, có thể là do bị rối loạn tâm thần, khủng hoảng tâm lý (hay còn gọi là rối loạn hoảng sợ). Chính vì vậy mà khiến cho họ có hành động chủ động tấn công. Hoặc cũng có thể đó là biện pháp tự vệ về mặt sinh tồn, tâm lý bị dồn vào đường cùng nên phải "tự giải thoát".
Thứ hai, về góc độ bệnh lý thì trong bản thân người bệnh đã tiềm ẩn những rối loạn về thần kinh. Khi đó ý thức của họ bị che lấp, thu hẹp hoặc mù mờ, từ đó dẫn đến phản xạ tấn công bất ngờ.
Ngoài ra, có trường hợp người bệnh còn sử dụng các chất gây nghiện khiến cho họ bị hoang tưởng, ảo giác. Các giác quan của họ bị che khuất, tạo nên những hình ảnh không có thật, thậm chí đầu óc quay cuồng, điên loạn dẫn đến phản xạ phòng vệ, tấn công.
Có thể phát hiện người mắc bệnh tâm thần thông qua những biểu hiện sớm thường gặp, có tính chất phổ biến sau: Đầu tiên là rối loạn giấc ngủ, biểu hiện trạng thái lo âu phiền muộn, lo lắng quá mức, chú tâm quá mức, để ý quá mức đến mức độ bất thường; những lời nói việc làm lệch chuẩn; hay có biểu hiện như hay đa nghi, nói nhiều, đi nhiều, hay kêu ca phàn nàn, cảm thấy bất toại (đối với người mắc bệnh trầm cảm), hay định kiến quá mức, cằn nhằn, bực dọc vô cớ, gắt gỏng…
Bác sĩ Tùng khuyến cáo người dân khi thấy những biểu hiện bất bình thường về tâm lý của con em, người thân trong gia đình thì nên đến các cơ sở điều trị tâm thần để được các bác sĩ tư vấn. Thậm chí có thể đến giám định tâm thần tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương để có liệu pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
(Theo Minh Tiến // CAND)